Tổ 6 phường Quan Triều, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên | (84).208.3844.179
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tránh duy ý chí trong sắp xếp doanh nghiệp nhà nước

Tránh duy ý chí trong sắp xếp doanh nghiệp
  Vấn đề cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp quân đội, là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, do vậy quá trình sắp xếp cần phải tính toán, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng, tránh lãng phí, không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
     Tránh duy ý chí trong sắp xếp doanh nghiệp
     Vấn đề cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp quân đội, là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, do vậy quá trình sắp xếp cần phải tính toán, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng, tránh lãng phí, không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Vấn đề cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước luôn “nóng” trên các diễn đàn công luận. Chỉ cần gõ từ khóa “giải thể và sáp nhập doanh nghiệp” trên trang tìm kiếm Google chưa đến 1 giây, đã có khoảng hơn 6,7 triệu kết quả. Điều đó phần nào phản ánh mối quan tâm của đông đảo người dân trước những vấn đề thiết thực của đời sống.
Người lao động trong các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) cũng không thể không quan tâm tới vấn đề này. Trong những phút giao ca, những giờ giải lao, hay những khi rảnh rang cuối ngày, cánh lính thợ hay kháo nhau chuyện “doanh nghiệp A có thể bị giải thể”, “công ty B sắp phải sáp nhập”, “nhà máy C sẽ bị cổ phần hóa”. Sự quan tâm đó có chung một nỗi niềm: Công việc, thu nhập và cuộc sống của bản thân và gia đình họ sẽ ra sao sau quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp? Thậm chí, đã có những phản ứng trái chiều ngay từ khi chủ trương chưa kịp triển khai. Việc hàng trăm công nhân của một nhà máy quốc phòng đồng loạt xin chuyển ra ngoài khi biết doanh nghiệp sẽ thuộc diện cổ phần hóa là minh chứng về sự phản ứng này.
Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đương nhiên là một chủ trương đúng, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, tiến trình này không phải lúc nào cũng thành công như kỳ vọng. Hẳn nhiều người còn nhớ, gần 20 năm trước, một số “cặp đôi” DNQĐ đã được “kết duyên” một cách cơ học. Kết quả là, có cặp được gọi là “xí nghiệp liên hợp” đã buộc phải “đường ai nấy đi” sau vài năm chung lối; có cặp sau khi sáp nhập lại phải tách ra thành những công ty riêng vì không thể nào hòa hợp; có cặp "khắc nhập" dưới mái nhà chung nhưng bao năm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Không những thế, việc loay hoay giữa sáp nhập hay hợp nhất, chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát phù hợp đối với doanh nghiệp bị sáp nhập, đã dẫn đến những sai phạm của một số cán bộ doanh nghiệp, gây ra những hệ lụy dai dẳng, lâu dài…
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang nỗ lực triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ theo hướng: “Tinh, gọn, mạnh”; sắp xếp lại các doanh nghiệp có cùng ngành nghề sản xuất - kinh doanh, hoạt động trên cùng địa bàn; tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; phù hợp với thế bố trí chiến lược trên các vùng, miền... Đó là hướng đi cần thiết nhằm sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ theo tinh thần Nghị quyết số 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc sắp xếp, cơ cấu lại DNQĐ, thực hiện cổ phần hóa “ngay và luôn” đối với những doanh nghiệp ít liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh, sản xuất-kinh doanh “thuần” kinh tế, hoặc các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng cao như xây dựng dân dụng, khai khoáng, dệt may, dịch vụ... Còn đối với các doanh nghiệp thuộc loại hình quốc phòng, an ninh, cùng cần được cơ cấu lại nhưng nhất thiết phải nghiên cứu thấu đáo và có bước đi cẩn trọng, thích hợp. Ai cũng biết, sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị, công ích, không phải mọi doanh nghiệp đều được phép làm. Vì thế, việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp này phải tính đến đặc thù của chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải được đặt lên hàng đầu với những cơ chế ưu đãi phù hợp. Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là ngành đặc thù, do đó, doanh nghiệp CNQP là DNQĐ “đặc thù, đặc biệt” mà các doanh nghiệp khác không được làm, hoặc không có khả năng làm. Tính đặc thù còn thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp CNQP vừa phải tuân thủ Luật doanh nghiệp, vừa phải thực hiện theo Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh Động viên công nghiệp; là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển CNQP, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Do vậy, doanh nghiệp CNQP “phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù” như đã được khẳng định trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
     Các doanh nghiệp CNQP được hình thành, phát triển từ những năm chiến tranh, được bố trí trên nhiều vùng, miền; bảo đảm tính chiến lược, liên hoàn, khoa học. Do đó, cần tránh sắp xếp một cách cơ học hoặc duy ý chí, và nên hết sức coi trọng tính tự chủ của các doanh nghiệp CNQP nòng cốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tỷ trọng hàng quốc phòng hằng năm không cao, các doanh nghiệp CNQP phải mở rộng sản xuất hàng kinh tế, giải quyết việc làm, duy trì đội ngũ và năng lực sản xuất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống chiến tranh xảy ra.
Giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa DNQĐ, trong đó có doanh nghiệp CNQP, là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, do vậy quá trình sắp xếp cần phải tính toán, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng, tránh lãng phí, không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Và hơn hết, quá trình sắp xếp này cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm ổn định để phát triển bền vững, lâu dài.